1. Nhức buốt chân răng là như thế nào?
Nhức buốt ở chân răng là tình trạng đau buốt ở xung quanh bề mặt răng hoặc bên trong răng. Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này và tùy thuộc vào đó mà biểu hiện đau nhức ở chân răng có thể khác nhau và kèm theo những triệu chứng khác. Nhìn chung, bạn sẽ cảm thấy như sau khi bị nhức buốt chân răng:
- Xung quanh nướu, răng bị đau, có thể kèm theo sốt.
- Khi cắn, nhai hoặc gõ nhẹ vào răng sẽ cảm thấy đau nhói.
- Cảm thấy tê buốt hoặc khó chịu khi thức ăn, đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh.
Đau nhức ở chân răng thường xuất hiện từng cơn hoặc kéo dài liên tục, có thể ê buốt nhẹ, đau âm ỉ nhưng đôi khi đó cũng là một cơn đau dữ dội. Đặc biệt, cơn đau có thể bị kích thích khi nhai, tiếp xúc với thức ăn, đồ uống nóng hoặc lạnh, ... Hoặc đôi khi không có bất kỳ yếu tố kích thích nào cơn đau vẫn xuất hiện và khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Điều trị ê buốt răng hiệu quả
Xem thêm:
2. Nguyên nhân nhức buốt chân răng
Nhức buốt chân răng có thể do các nguyên nhân sau gây ra:
- Sâu răng: Sâu răng làm hỏng lớp men răng, ngà răng và khi lan vào buồng tủy răng sẽ gây đau nhức chân răng. Khi đó, răng đã bị tổn thương nghiêm trọng do lớp cấu trúc bên ngoài của răng bao gồm men răng và ngà răng đã bị phá hủy, không thể bảo vệ tủy răng bên trong.
- Viêm tủy: Nguyên nhân gây viêm tủy chủ yếu là do vi khuẩn trong khoang miệng xâm nhập vào bên trong tủy răng. Khi tủy bị viêm sẽ sưng lên và gây đau. Khi mới bị viêm tủy, răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn với thức ăn hoặc đồ uống nóng lạnh. Nhưng khi bị viêm tủy nặng, bạn sẽ đau nhức buốt chân răng dữ dội, thậm chí có thể dẫn đến bị mất răng.
- Viêm nha chu: Viêm nha chu là một trong những bệnh răng miệng thường gặp. Nếu không điều trị, viêm nha chu có thể tiến triển nhanh và dẫn đến nguy cơ xấu nhất là nhiễm trùng răng, buộc phải nhổ bỏ răng.
- Áp xe răng: Tình trạng răng bị nhiễm trùng, áp xe răng có thể xuất phát từ bên trong và sau đó lan sang chân răng cùng các vùng lân cận, gây đau nhức răng dữ dội. Áp xe răng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm tủy, mất răng, viêm hạch, viêm xương, ...
- Mọc răng khôn: Đôi khi, mọc răng khôn cũng gây nhức chân răng, vì đây là chiếc răng mọc cuối cùng. Khi không còn đủ chỗ để mọc, răng khôn thường mọc lệch dẫn đến đau nhức. Ngoài ra, răng khôn nằm ở vị trí trong cùng nên rất khó để vệ sinh sạch sẽ, gây sâu răng, nhiễm trùng nướu và đau răng.
- Viêm xoang: Trong một vài trường hợp, nhức răng không phải do vấn đề răng miệng mà là ở xoang, đặc biệt là răng hàm trên. Các hốc xoang ở gần với chân răng của hàm trên nên khi bị viêm xoang có thể ảnh hưởng đến răng và nhức buốt chân răng.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số lý do khác ít gặp hơn cũng có thể khiến bạn cảm thấy đau răng, buốt răng:
- Điều trị răng: Răng sau khi điều trị như trám hoặc bọc sứ có thể trở nên nhạy cảm hơn vì các dây thần kinh bị kích thích và gây ê buốt răng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể thuyên giảm sau một thời gian, khi vấn đề răng miệng được khắc phục và chăm sóc đúng cách.
- Thói quen nghiến răng: Nghiến răng khi ngủ là một thói quen có hại đối với răng vì nó kích thích các dây thần kinh ở răng và làm cho răng nhạy cảm hơn.
- Bị gãy răng: Nhức buốt chân răng có thể xuất hiện khi bạn bị chấn thương làm gãy răng, lớp ngà răng và những bộ phận bên trong răng như tủy răng, các dây thần kinh lộ ra bên ngoài. Khi tiếp xúc với thức ăn, đồ uống hoặc bất kỳ một tác động nào đến răng bị gãy cũng có thể kích thích các cơn đau.
- Lộ chân răng: Chân răng khi bị lộ ra bên ngoài sẽ khiến răng trở nên nhạy cảm hơn, ngay cả việc đánh răng cũng có thể gây ê buốt răng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ê buốt răng
3.Điều trị đau nhức chân răng như thế nào?
Khi bị đau nhức chân răng, thông thường bạn sẽ tìm cách để giảm đau và theo dõi tại nhà trước khi tìm đến nha sĩ. Một số cách hay được nhiều người áp dụng để giảm đau răng như súc miệng với nước muối, chườm lạnh, uống thuốc giảm đau, ...
Tuy nhiên, đây là những biện pháp tạm thời và nếu tình trạng nhức buốt chân răng còn tiếp diễn, tốt nhất là bạn nên thăm khám nha khoa để được chữa trị. Sau khi kiểm tra răng, nha sĩ sẽ xác định nguyên nhân và dựa vào đó để đưa ra cách thức điều trị phù hợp.
- Điều trị sâu răng: Nhức răng do sâu răng sẽ được điều trị bằng cách trám răng đối với lỗ sâu còn nông và điều trị tủy nếu lỗ sâu răng lan vào buồng tủy. Điều trị tủy là quá trình rút bỏ hoàn toàn phần tủy bên trong răng, bao gồm dây thần kinh và các mạch máu nhỏ, sau đó vệ sinh sạch sẽ và bít lại.
- Điều trị áp xe răng: Nhức chân răng do áp xe răng cần được điều trị nhiễm trùng từ bên trong để tránh lan rộng bằng cách dùng kháng sinh.
- Điều trị áp xe nha chu: Viêm nha chu dẫn đến áp xe có mủ gây đau nhức răng dữ dội sẽ được tiến hành dẫn lưu mủ, sau đó sát trùng vết thương. Tùy vào mức độ bị áp xe, nha sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh đường uống phù hợp, kết hợp dùng nước súc miệng diệt khuẩn, đánh răng với nước ấm một cách nhẹ nhàng để vết thương nhanh hồi phục.
- Điều trị gãy răng, nứt răng: Nhức buốt chân răng do gãy răng, nứt răng sẽ được điều trị bằng cách đặt mão răng để vừa thay thế cho phần răng đã bị phá hủy, vừa bảo vệ phần còn lại của răng có nguy cơ bị tổn thương.
Nếu nhức buốt chân răng kéo dài và cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, kèm theo sốt, khó cử động miệng, bạn nên đến thăm khám nha sĩ để được chữa trị, tránh trường hợp nhiễm trùng răng lan ra những cơ quan xung quanh.
Phương pháp điều trị ê buốt răng hiệu quả
4. Hậu quả của ê buốt răng
Tùy theo mức độ mà ê buốt chân răng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của bạn. Điển hình như do không thể thưởng thức món ăn yêu thích của mình nên người bệnh, nhất là người lớn tuổi và trẻ em sẽ có nguy cơ bị biếng ăn. Bên cạnh đó, thói quen nghiến răng khi ngủ sẽ khiến bạn khó để có một giấc ngủ ngon. Điều này về lâu dài sẽ làm cơ thể bạn dần bị suy nhược, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát. Ngoài ra, nếu triệu chứng ê buốt răng đi kèm với hơi thở có mùi hôi, quanh nướu bị sưng đỏ và chảy máu do bệnh viêm nướu, người bệnh còn có xu hướng ngại giao tiếp xã hội.